Vay tiền nhưng lại ký hợp đồng mua bán nhà, đất với giá rẻ mạt. Đến hạn trả nợ thì bất động sản đó đã thuộc về chủ mới.
Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, do biết họ cần vay tiền nên bên cho vay đã ép họ ký hợp đồng mua bán nhà, đất để làm tin rồi sau đó chiếm luôn nhà, đất.
Từ ủy quyền chuyển sang bán đứt
Ông H. và ông N. (huyện Long Thành, Đồng Nai) có 17.000 m2 đất. Tháng 1-2011, do cần vốn để làm ăn mà ngân hàng không cho vay nên hai ông đã tìm cách vay bên ngoài. Qua người môi giới, hai ông đã vay được 30 tỉ đồng với lãi suất tạm thời 2%/tháng. Bên cho vay hứa sẽ chuyển hồ sơ vay qua ngân hàng để hai ông được trực tiếp vay tiền của ngân hàng. Đổi lại, hai ông phải ký giấy ủy quyền giao diện tích đất trên cho bên cho vay để họ được toàn quyền định đoạt. Ngoài ra, hai ông phải chịu phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền vay được.
Tin lời, ngày 29-1-2011, hai ông đã đi công chứng hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay được quyền chuyển nhượng, tặng cho và thế chấp đất. Ngay sau đó, bên cho vay đề nghị hai ông hủy hợp đồng ủy quyền và thay bằng hợp đồng chuyển nhượng đất để họ tiện làm thủ tục vay tiền ngân hàng giúp hai ông. Theo hợp đồng, giá chuyển nhượng đất tương ứng với số tiền cho vay là 30 tỉ đồng trong khi giá trị thật của khu đất hơn 100 tỉ đồng.
Tháng 6-2011, sau nhiều lần hối thúc bên cho vay chuyển hồ sơ qua ngân hàng nhưng họ cứ ậm ừ, hai ông mới phát hiện bên cho vay đã hoàn tất thủ tục sang tên đất bằng hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên. Tá hỏa, hai ông khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất và cam kết trả lại số tiền đã vay cộng với lãi suất vay. Hiện tòa án đã thụ lý vụ án nhưng chưa rõ hai ông có lấy được đất hay không.
Giao trứng cho ác
Trường hợp bà P. (Bình Dương) cũng khổ sở không kém. Bà kinh doanh thua lỗ hơn 500 triệu đồng nên muốn vay vốn để làm lại từ đầu nhưng ngân hàng không cho vay do bà không chứng minh được phương án kinh doanh. Cũng qua môi giới, bà được bà H. cho vay 700 triệu đồng nhưng bà phải thế chấp bản chính giấy đỏ cho bà H. với thời hạn vay ba tháng, lãi suất vay 3%/tháng.
Tới hạn trả nợ nhưng vẫn chưa có tiền nên bà P. đã đề nghị bà H. cho vay thêm 300 triệu đồng vì phần đất của bà trị giá gần 2 tỉ đồng. Bà H. đồng ý với điều kiện bà P. phải ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà. Hai bên thỏa thuận trong thời hạn năm tháng bà P. có quyền chuộc lại đất và hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng chỉ nói miệng.
Đúng hẹn, bà P. đem tiền đi chuộc đất thì mới té ngửa là bà H. đã bán tiếp phần đất của bà cho người khác với giá 2 tỉ đồng. Bà P. ngậm ngùi nhờ tòa án giải quyết nhưng chưa rõ thắng, thua thế nào vì người mua đã được sang tên đất.
Mất nhà do tin lời hứa miệng
Năm 2006, bà T. (TP Cần Thơ) cũng bị mất nhà từ việc vay tiền người quen. Do tới kỳ hạn phải thanh toán nợ cho ngân hàng mà không có tiền nên bà T. đã hỏi vay 1 tỉ đồng. Điều kiện đặt ra là bà phải trả tiền lãi hằng tháng và giao bản chính giấy tờ nhà cho chủ nợ giữ trong thời hạn ba năm thì bà mới được chuộc lại nhà. Thế nhưng chỉ đưa một nửa tiền thì chủ nợ yêu cầu bà T. phải ký hợp đồng ủy quyền cho họ được bán, thế chấp căn nhà để vay tiền ngân hàng thì họ mới đưa tiếp phân nửa còn lại. Bà T. bất đắc dĩ phải gật đầu sau khi giao kèo “trong vòng bốn tháng, khi bà có tiền trả thì hai bên hủy hợp đồng ủy quyền”.
Đúng hẹn, bà T. trả đủ tiền thì mới biết bên cho vay đã dùng hợp đồng ủy quyền để bán nhà cho người khác với giá 1,3 tỉ đồng. Bà T. kiện ra tòa xin hủy hợp đồng ủy quyền nhưng không có đủ chứng cứ chứng minh việc ký ủy quyền chỉ để đảm bảo cho số tiền vay. Bà cũng không thể chứng minh có việc chủ nợ hứa hẹn cho chuộc lại nhà. Kết cục là bà bị tòa xử thua kiện và phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” với việc bị mất nhà.
Cảnh giác khi ký hợp đồng
Theo Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
Trước các đề nghị “phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thì mới được vay tiền”, người vay phải hết sức cẩn trọng vì hợp đồng chuyển nhượng đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi theo nguyên tắc, những giao dịch, hợp đồng được công chứng là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Khi xảy ra tranh chấp, nếu bên vay tiền kiện đòi hủy hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thì phải chứng minh được hợp đồng này là hợp đồng giả cách, còn hợp đồng vay tiền mới là hợp đồng thật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chứng minh không hề đơn giản và đa phần người vay bị mất trắng.
Luật sư PHẠM ĐÌNH HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM