BÀ VỢ NÀO ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ

//BÀ VỢ NÀO ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ

BÀ VỢ NÀO ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ

2018-11-21T14:08:35+00:00Tháng Chín 29th, 2018|Khoa học pháp lý|

ba vo nao duoc huong thua ke

Ngày 15 tháng 8 năm 2011, Báo Pháp luật online có bài viết Phản ánh “Bà vợ nào được hưởng thừa kế?”

Trước năm 2005, ông C. mất, gia đình ông đã vướng vào một vụ kiện đòi chia di sản của ông để lại. Sự việc càng phức tạp hơn bởi khoảng năm 1950 và 1960, ông C. sống như vợ chồng với hai phụ nữ A, B; còn lại là bà E., ông C sống từ năm 1979 cho đến khi mất.

Trong sự việc này, có nhiều quan điểm khác nhau của nhiều tác giả, chúng tôi cũng xin nêu lên ý kiến cụ thể như sau:

Dựa trên các mốc thời gian; có thể chia làm 2 giai đoạn trong vụ việc trên:

– Trước năm 1979: thời điểm ông C chung sống với bà A, bà B.

Nghị quyết số 02/HĐTP về việc Áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 19 tháng 10 năm 1990 ghi nhận:

“Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-01-1960 – ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 – đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977* ­ – ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước – đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ.”

Như vậy, pháp luật công nhận quan hệ giữa ông C với bà A, bà B là quan hệ hôn nhân hợp pháp, với việc công nhận bà A, bà B là  những người vợ hợp pháp của ông C.

– Sau năm 1979: thời điểm ông C chung sống với bà E về sau.

Đây  thời điểm áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình 1959, chính thức là kể từ  ngày 25/3/1977 (theo Nghị quyết 76/CP 25-3-1977 của Hội đồng Chính phủ công bố danh mục văn bản pháp luật áp dụng trong cả nước Việt Nam thống nhất, trong đó có luật Hôn nhân và gia đình năm 1959)

Vào thời điểm ngày 25-3-1977, ông C đã có 2 bà vợ hợp pháp là bà A và bà B; như vậy ông C thời điểm đó là người đã có gia đình, được pháp luật công nhận là đã có vợ nên ông C sẽ không không được công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông và bà E phát sinh vào năm 1979 bởi ông C đã vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 1959 “Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.”

Quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 1959 cũng được các đạo luật hôn nhân gia đình về sau tiếp nhận: Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình 1986; Điều 9, Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2000.

Như vậy, trong việc chung sống giữa ông C với bà E sẽ không được pháp luật công nhận. Do đó việc TAND huyện Củ Chi và TAND TP.HCM có quan điểm nhận định: ông C. chỉ có hai bà vợ nêu trên, còn bà E. dù sống với ông C. từ năm 1979 (sau khi có Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959) nên không được công nhận là vợ chồng là hoàn toàn có cơ sở pháp luật.