CÓ PHẢI XIN PHÉP KHI SỬ DỤNG QUỐC CA VIỆT NAM?

2021-11-10T15:15:55+00:00Tháng Mười Một 10th, 2021|Khoa học pháp lý|

Vừa qua, một video trình diễn Quốc ca Việt Nam bị đơn vị BH Medida khiếu nại bản quyền trên YouTube đã gây nên rất nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, Báo điện tử VTV và chương trình Chuyển Động 24h đã lên án việc đơn vị truyền thông BH Media đã nắm giữ bản quyền nhiều ca khúc trái phép. Đặc biệt, trong số đó là Quốc Ca Việt Nam – Tiến Quân Ca. Nhưng liệu đã đủ cơ sở để nhận định rằng BH Media “nhận vơ” bản quyền quốc ca?

Bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca thực sự thuộc về ai?

Tháng 7/2016, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã ký tên hiến tặng bản Tiến Quân Ca cho Nhà nước. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (theo điểm c, khoản 1 Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, đã đủ cơ sở để nhận định rằng hiện nay Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với ca khúc Tiến Quân Ca. Việc sử dụng tác phẩm này buộc phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý tác phẩm thuộc sở hữu Nhà nước.

BH Media có quyền gì đối với video Tiến Quân Ca tên Youtube?

Để trả lời chính xác được câu hỏi này, chúng ta cần phải phân biệt được hai khái niệm quan trọng liên quan đến bản quyền: “Quyền tác giả” và “Quyền liên quan”.

Theo quy định tại khoản 2, 3 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và Quyền liên quan đến quyền tác giả (còn gọi là quyền liên quan) hiểu đơn giản quyền của người thực hiện biểu diễn, ghi âm, ghi hình tác phẩm đó. Đồng thời, Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền:

  • Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
  • Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Như vậy, quyền tác giả và quyền liên quan là hai khái niệm khác nhau. Hiện nay mặc dù Nhà nước đang là chủ sở hữu quyền tác giả của ca khúc Tiến Quân Ca. Tuy nhiên, video Tiến Quân Ca đã được upload trên YouTube đang bị BH Media khiếu nại bản quyển lại là bản ghi do đơn vị Hồ Gươm Audio thực hiện và ủy quyền cho BH Media được khai thác, quản lý. Vì vậy, trong trường hợp Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của quyền liên quan đối với video Tiến Quân Ca thì BH Media hoàn toàn có quyền không cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào reup lại video này.

Có cần phải xin phép Nhà nước khi sản xuất, ghi âm ca khúc Tiến Quân Ca không?

Đây thực sự là một câu hỏi rất khó có câu trả lời chính xác.

Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, bất kỳ ai khi tổ chức ghi âm, ghi hình và phân phối tác phẩm đó đến công chúng thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó. Tuy nhiên, Tiến Quân Ca là ca khúc thuộc sở hữu nhà nước, việc sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại Điều 27 Nghị định 22/2018/NĐ-CP như sau:

“1. Tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm là đại diện Nhà nước – chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

  1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này phải được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.
  2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật sở hữu trí tuệ phải tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.”

Theo quy định này, người sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu Nhà nước mà có nguồn gốc do được chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước thì chỉ “phải tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ”. Quy định này không yêu cầu người sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước phải xin phép cơ chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này dẫn đến hai cách hiểu về quy định này như sau:

Cách hiểu thứ nhất là dù khoản 3 Điều 27 Nghị định 22/2018/NĐ-CP không quy định về việc phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm mà Nhà nước được nhận chuyển giao quyền sở hữu. Tuy nhiên, về nguyên tắc quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì vẫn phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả trước khi sử dụng. Nếu hiểu theo cách này thì Hồ Gươm Audio rõ ràng là có vi phạm khi sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý của Nhà nước và BH Media không có quyền yêu cầu bản quyền đối với bản ghi Tiến Quân Ca đã được upload trên Youtube trên.

Cách hiểu thứ hai là khoản 3 Điều 27 Nghị định 22/2018/NĐ-CP không quy định người sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu Nhà nước phải xin phép cơ chủ sở hữu quyền tác giả thì tất cả mọi người đều có quyền sử dụng tác phẩm mà không cần phải được nhà nước. Theo cách hiểu này thì Hồ Gươm Audio và BH Media hoàn toàn không vi phạm gì. Theo quan điểm của tác giả, cách giải thích thứ hai này là cách giải thích phù hợp hơn so với cách thứ nhất. Bởi vì ngay tại khoản 2 Điều 27, đối với trường hợp sử dụng tác phẩm do Tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm, nhà làm luật đã quy định rõ ràng ràng phải được sự đồng ý của tác giả thì mới được sử dụng. Tuy nhiên, tại khoản 3, nhà làm luật chỉ yêu cầu người sử dụng phải tôn trọng quyền nhân thân mà không yêu cầu phải xin phép cơ quan nào. Điều này có thể hiểu rằng ý chí của nhà làm luật là cho phép người sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép bất kỳ cơ quan nào, miễn là tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Thêm vào đó, nếu phải xin phép các cơ quan nhà nước trước khi sử dụng, thì việc xin phép này phải được quy định vào một thủ tục hành chính cụ thể. Tuy nhiên, hiện tại cũng không có bất kỳ quy định nào về việc thủ tục xin phép các cơ quan nhà nước trước khi sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước.

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi có cần phải xin phép Nhà nước khi sản xuất, ghi âm ca khúc Tiến Quân Ca không vẫn còn bị bỏ ngỏ và cần phải chờ câu trả lời chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Dù vậy, đây vẫn là một case rất thú vị vì lần đầu tiên có người dám đòi bản quyền đối với quốc ca. Hướng giải thích và áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này sẽ có tác động rất lớn đối với việc áp dụng pháp luật đối với những vụ việc tương tự sau này.

Phải làm gì khi bị xâm phạm quyền tác giả?

Hiện nay, hành vi vi phạm bản quyền có thể bị xử lý bởi ba hình thức: dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tùy vào tính chất của hành vi và mong muốn của mình, bạn có thể lựa chọn 1 trong ba hoặc cả ba hình thức trên.

Về biện pháp dân sự, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo pháp luật tố tụng dân sự để yêu cầu bên vi phạm bản quyền phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, cải chính, xin lỗi công khai.

Về biện pháp hành chính, bạn có thể yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm bản quyền. Bên vi phạm ngoài việc bị buộc chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền, còn có thể bị phạt tiền, tịch thu hàng hóa, đình chỉ hoạt động.

Về biện pháp hình sự, nếu hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì bạn có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan công an hoặc viện kiểm sát. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ có thể vào cuộc để đánh giá mức độ hành vi. Nếu đủ căn cứ là hành vi đã cấu thành tội phạm hình sự, bên vi phạm có thể bị khởi tố, truy tố trước tòa và có thể phải chịu hình phạt hình sự.

Công ty Luật Sài Gòn Á Châu – Paralegal Nguyễn Đại Duy